Đề xuất này hợp lý với giáo viên, nhưng là bất công với tất cả phần còn lại của xã hội”, độc giả Dân trí bình luận về đề xuất mới nhất của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Dự thảo Luật Nhà giáo mới đây của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đang thu hút sự chú ý với một đề xuất đáng chú ý: Nhà nước sẽ chi trả học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của các nhà giáo đang công tác, từ cấp mầm non đến đại học, tại các cơ sở giáo dục công lập. Đề xuất này, tuy chỉ áp dụng tại trường công lập, đã tạo ra một làn sóng ý kiến trái chiều trong xã hội.
Đa phần ý kiến từ người dân thể hiện sự không đồng tình, cho rằng chính sách sẽ gây bất công và hình thành những rào cản vô hình trong xã hội. Độc giả Bùi Duy Châu thẳng thắn nêu quan điểm: “Đề xuất này có thể hợp lý với giáo viên, nhưng lại bất công với phần còn lại của xã hội.”
“Muốn quan tâm đến giáo viên thì hãy nâng lương, tăng phụ cấp cho họ”
Anh Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ cùng quan điểm: “Lương giáo viên hiện nay không thấp, thậm chí có khi còn cao hơn một số ngành khác như lực lượng vũ trang. Trong khi giáo viên có thời gian ở nhà, chăm sóc con cái, người làm việc trong ngành vũ trang phải xa nhà hàng trăm ngày mỗi năm, vậy mà con cái họ vẫn phải đóng học phí.”
Anh Nguyễn Công Hải tiếp tục bổ sung: “Miễn học phí cho con giáo viên thì con của bộ đội, công an, bác sĩ sẽ thế nào? Ngân sách chi cho trường công lập đều từ thuế của toàn dân, trong đó có người lao động, nông dân. Rất nhiều gia đình nghèo khó, trong khi con giáo viên lại được hưởng quyền lợi đặc biệt này. Đó là điều bất công và phi lý.”
Tài khoản ND Dương lên tiếng chỉ trích gay gắt: “Ngành nào cũng có vất vả, áp lực riêng, sao ngành giáo dục luôn đòi hỏi đặc quyền? Đề xuất này nếu được thông qua sẽ chỉ làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội.”
Anh Nguyễn Trọng Tuấn cũng nhấn mạnh đến sự công bằng: “Những ai đang mang trên mình 4 chữ ‘Phục vụ nhân dân’ đều xứng đáng được đối xử bình đẳng. Nghề giáo có đặc thù, nhưng điều đó không có nghĩa là nên tạo ra một nhóm đặc quyền.”
Dưới góc nhìn kinh tế, anh Tạ Ngọc Thắng cho rằng cần đối xử công bằng giữa các nghề nghiệp khi ai cũng đều đóng góp công sức, chất xám và xứng đáng nhận lại thu nhập tương ứng. Anh cảnh báo việc ưu ái quá mức sẽ làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, thiếu khách quan. “Để giáo viên thực sự an tâm công tác, hãy tăng lương cho họ, đó mới là cách hỗ trợ bền vững,” anh khẳng định.
Thậm chí, từ góc nhìn của một giáo viên, độc giả Trần Viết Nhi cũng bày tỏ sự phản đối. “Nếu muốn quan tâm đến giáo viên, hãy tăng lương, cải thiện phụ cấp. Điều đó sẽ giúp họ tự lo cho con cái của mình,” anh đề xuất.
Song song với các ý kiến phản đối, một số độc giả lại ủng hộ đề xuất này. Độc giả Thái Hằng cho rằng giáo viên chỉ có thể đào tạo ra những học sinh tốt khi đời sống của chính họ ổn định. Nickname Chauhcm cũng nhấn mạnh: “Giáo dục là một trong những trục cốt lõi để xây dựng quốc gia. Việc chăm lo đời sống cho giáo viên sẽ giúp họ toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng thế hệ tương lai.”
Độc giả này tiếp lời: “Mọi chính sách cần sự ưu tiên và cân nhắc kỹ lưỡng, vì không quốc gia nào đủ nguồn lực để hỗ trợ đồng đều. Nếu được nghiên cứu thấu đáo, đề xuất này có thể nhận được sự đồng thuận từ xã hội.”