Năm nay tôi 29 tuổi, vừa mới kết hôn chưa đầy một năm, cả hai chúng tôi vẫn đang bước những bước đầu tiên trên con đường dài của cuộc đời.
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi tích góp được một ít vốn và nhờ vào sự hỗ trợ của hai bên gia đình, chúng tôi mua được một căn nhà. Tuy nhiên, dù có sự giúp đỡ từ bố mẹ, chúng tôi vẫn còn nợ một khoản đáng kể, gần một nửa giá trị căn nhà.
Vợ tôi là người lãng mạn, có chút trẻ con. Cô ấy rất thích được chồng quan tâm, chăm sóc và thích thể hiện tình cảm nơi đông người. Tôi cũng không ngại chiều vợ, nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi còn trẻ, chưa có con cái, nên muốn dồn hết sức lực vào công việc. Nhưng đời không như là mơ, để tôi có thể kiếm nhiều tiền, cô ấy phải chấp nhận thiệt thòi về thời gian ở bên nhau. Vậy mà, mỗi lần tôi đi công tác, vợ lại kiếm cớ hờn ghen, giận dỗi, khiến tôi vừa mệt mỏi với công việc, vừa mệt mỏi với sự trẻ con của cô ấy.
Mỗi khi giận dỗi, cô ấy gọi tôi cả chục cuộc điện thoại. Có lần, tôi phải tăng ca đến nửa đêm, cô ấy gọi điện bảo bị đau bụng ra máu (lúc đó, cô ấy mới có thai). Nghe vậy, tôi tức tốc bỏ hết công việc để về nhà, nhưng khi về đến nơi, tôi thấy vợ vẫn bình thường. Khi tôi ngạc nhiên hỏi, cô ấy chỉ cười nhẹ và bảo đó chỉ là trò đùa.
Sau lần đó, vợ tôi đã “dọa” tôi thêm vài lần nữa, khiến tôi nhiều lần phải bỏ công việc chạy về, nhưng tất cả chỉ là cô ấy muốn thử xem tình yêu của tôi có mãnh liệt như những soái ca trong phim không. Hiểu được tính cách của vợ, sau một số lần, dù cô ấy dọa thế nào, tôi cũng không bỏ công việc nữa vì tôi biết rằng cơ hội kiếm tiền không dễ, và cô ấy không thể bắt tôi bỏ đi vì những điều không chính đáng như vậy.
Gần đây, tôi phải đi công tác xa. Vì đối tác có thay đổi, chúng tôi buộc phải họp vào buổi tối. Vào lúc 8 giờ tối, vợ gọi điện cho tôi. Vì đang trong cuộc họp, tôi không nghe máy, và cô ấy tiếp tục gọi thêm 17 cuộc nữa. Để tránh ảnh hưởng đến buổi họp, tôi đành tắt điện thoại. Sau cuộc họp, chúng tôi đi ăn, tôi uống hơi quá chén và quên không bật điện thoại lại, rồi thiếp đi đến sáng hôm sau.
Khi tỉnh dậy, tôi mở điện thoại và tá hỏa khi thấy 28 cuộc gọi nhỡ từ vợ. Lòng tôi bỗng dâng lên nỗi lo lắng. Tôi vội gọi lại nhưng không ai nghe máy, kể cả mẹ tôi. Tôi đoán mẹ đang đi tập thể dục nên không mang theo điện thoại.
30 phút trôi qua mà vẫn không có hồi âm, tôi bắt đầu nóng ruột và xin sếp về sớm vì có việc gấp.
Vừa bước đến cổng nhà, tôi gặp mẹ đang trở về với khuôn mặt lo lắng. Bà gọi tôi lại, giọng run run:
– Con đi đâu cả đêm qua mà cái Hân gọi mãi không được? Tối qua, nó đi khám thai về muộn, trên đường về không may bị người ta tông trúng. Đứa bé không giữ được rồi, còn Hân thì đang cấp cứu trong viện, chuẩn bị phẫu thuật.
Nghe mẹ nói, tôi như gục ngã. Chuyện tày đình xảy ra mà tôi hoàn toàn không hay biết. Có lẽ, trong lúc hoảng loạn, vợ đã cố gắng gọi cho tôi, nhưng tôi lại tắt máy.
Giờ đây, vợ tôi vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo, và không ai dám nói với cô ấy rằng đứa bé đã mất. Cô ấy vẫn còn xoa bụng và thủ thỉ với con. Nhìn cảnh đó, tôi muốn khóc nhưng phải cố gắng kìm nén, an ủi vợ vượt qua cơn sóng gió này.
Tôi nghĩ lại thời gian qua, dù vợ có bầu, cô ấy hầu như phải tự đi khám thai một mình vì tôi luôn bận công việc. Tôi cảm thấy hối hận, nếu tôi chở vợ đi khám, có lẽ đã chẳng có chuyện này, và con chúng tôi đã có cơ hội chào đời thay vì ra đi đầy oan ức. Có phải vì tôi quá tham công tiếc việc mà đẩy gia đình vào bi kịch này không? Tôi phải làm gì để an ủi vợ bây giờ?
Chỉ vì muốn kiếm thật nhiều tiền, muốn vợ con mình sau này sẽ được sung sướng, mà giờ đây tôi phải trả một cái giá quá đắt. Sau khi nói chuyện với bác sĩ, tôi biết được vợ đã bị cắt một bên buồng trứng, và khả năng có con sau này sẽ khó hơn. Nếu cô ấy biết điều này, tôi không chắc cô ấy có đủ sức mạnh để vượt qua, và tôi lo sợ không biết cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ ra sao với vết thương lòng này.
Tôi chỉ mong rằng, nếu có cơ hội được làm lại, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho vợ, quan tâm nhiều hơn đến mẹ con cô ấy. Tôi nhận ra rằng, dù kiếm tiền có quan trọng đến đâu, cũng không thể bằng gia đình nhỏ của mình, nơi từng thành viên đều khỏe mạnh và bình an. Đó mới là điều quý giá nhất.
“Sinh Con Được 3 Tháng Đã Bị Mẹ Chồng Ép Rửa Bát: ‘Con Làm Dâu, Không Phải Osin!’”