Ngày 27/11/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Vụ 3 người tử vong vì đi theo Google Maps: Những tình tiết éo le đến khó tin dẫn đến thảm kịch”. Nội dung cụ thể như sau:
Ba người đàn ông từ Uttar Pradesh, Ấn Độ đã tử vong vào đêm thứ Bảy (23/11) khi chiếc taxi của họ rơi khỏi cây cầu đang xây dở bắc qua sông Ramganga ở quận Bareilly, được cho là do sử dụng Google Maps.
Google Maps đã ‘dẫn’ tài xế ô tô đến cây cầu chưa hoàn thành như thế nào?
Nhóm người này, đi từ Gurugram, không biết rằng cây cầu mà họ đang đi đến đã bị hư hỏng sau khi lũ lụt cuốn trôi lối vào phía Faridpur nhiều tháng trước. Chiếc taxi lao khỏi cầu, khiến các nạn nhân bị mắc kẹt mà không có sự trợ giúp ngay lập tức vì vụ việc xảy ra vào đêm khuya.
Người dân làng Khallpur chỉ phát hiện ra đống đổ nát vào sáng hôm sau và thông báo cho chính quyền. Đội cứu hộ đã vớt các thi thể bằng thuyền và sau đó xác định được danh tính các nạn nhân thông qua các tài liệu tìm thấy tại hiện trường.
Các thành viên gia đình đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc thiếu các biện pháp an toàn. “Con đường đáng lẽ phải bị chặn, nhưng không. Google Maps vẫn hiển thị cây cầu vẫn hoạt động”, Pramod Kumar, anh rể của một trong những nạn nhân cho biết.
Các nạn nhân, Nitin Kumar (30 tuổi), Ajit Kumar (35 tuổi) và Amit Kumar (30 tuổi), đang đi từ Gurgaon đến Faridpur để dự một đám cưới. Nitin và Ajit, cư dân của Farrukhabad, làm tài xế cho một công ty an ninh có trụ sở tại Gurugram, trong khi Amit, đến từ Mainpuri, là họ hàng xa của họ.
Một viên chức PWD (Sở Công trình Công cộng Nhà nước Ấn Độ), phát biểu ẩn danh, cho biết cây cầu đã bị chặn, nhưng chưa rõ chắc chắn vì sao bức tường lại bị dỡ bỏ như vậy: “Chúng tôi đã lắp biển báo và chặn đường bằng cách xây tường, nhưng có người đã dỡ bỏ bức tường.”
Thẩm phán quận Budaun Nidhi Srivastava thì cho biết: “Đường dẫn vào phía Bareilly của cây cầu đã bị cuốn trôi trong trận gió mùa năm ngoái. Bức tường ở phía Budaun đã bị một số người dân địa phương phá hỏng, và chiếc xe đã đi qua con đường đó, rơi từ đầu cầu đột ngột. Chúng tôi đã ra lệnh xử lý nghiêm khắc những viên chức chịu trách nhiệm và đang thực hiện các biện pháp khắc phục để đảm bảo những sự cố như vậy không tái diễn.”
Sau vụ việc, Srivastava cũng đã chỉ trích PWD vì sự cẩu thả. “Trách nhiệm đảm bảo các biện pháp an toàn, bao gồm biển báo và rào chắn, thuộc về sở PWD Budaun. Các biển báo phù hợp hiện đã được đặt và đầu cầu đã được chặn bằng tường”, bà nói.
Chính quyền địa phương xác nhận có sự thiếu sót về cơ sở hạ tầng và biển báo. “Cây cầu đang được UP State Bridge Corporation Ltd. xây dựng. Đường dẫn vào Budaun đã mở, khiến nạn nhân hiểu lầm. Chúng tôi đã tiến hành điều tra và sẽ có hành động đối với những người chịu trách nhiệm”, các báo cáo trích lời thẩm phán phụ trách Faridpur Gulab Singh cho biết.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Hiện tại, 4 kỹ sư và 1 viên chức Google Maps đã bị bắt sau vụ tai nạn thương tâm.
Theo báo cáo của hãng thông tấn PTI, cảnh sát đã nêu tên hai kỹ sư trợ lý và hai kỹ sư cơ sở của PWD, cũng như “những người không rõ danh tính”. Đại diện Google Maps địa phương cũng đang bị điều tra và tên của người này vẫn chưa được nêu trong hồ sơ của cảnh sát.
“Ngoài các biện pháp khắc phục tại hiện trường, cảnh sát đang điều tra luận tội theo điều 105 (ngộ sát có chủ ý nhưng không phải là giết người) đối với 2 kỹ sư trợ lý và 2 kỹ sư cơ sở của PWD và những người không rõ danh tính”, thẩm phán quận Budaun Nidhi Srivastava nói.
Cùng ngày, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “3 người đi theo Google Maps lên cầu hỏng và tử vong, Google nói gì?”. Nội dung cụ thể như sau:
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào tối 23/11 khi 3 người đàn ông thuê ô tô tự lái để tới dự đám cưới một người bạn và đang trên đường trở về nhà.
Tuy nhiên, hệ thống định vị dẫn đường nhầm cho xe đi lên một cây cầu đang thi công dở dang. Ô tô chạy trên cầu rồi lao xuống sông ở quận Bareilly thuộc bang Uttar Pradesh từ độ cao 15m. Dữ liệu từ điện thoại di động cho thấy, các nạn nhân đã sử dụng Google Maps để chỉ đường cho tới khi tai nạn xảy ra.
Sau đó, người dân địa phương tìm thấy chiếc xe bị hư hỏng nặng nên đã gọi điện báo cảnh sát. Cả 3 người đàn ông đều bị tử vong ngay tại hiện trường.
Đáng chú ý ở chỗ, cây cầu vốn được người dân địa phương coi là cái bẫy chết người bởi nó từng bị phá hủy do lũ lụt. Đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành. Do thiếu biển báo chỉ dẫn và bản đồ kỹ thuật số chưa cập nhật thông tin mới nên nó thành địa điểm rất nguy hiểm.
Ngay sau tai nạn, cảnh sát địa phương được lệnh kiểm tra tất cả các tuyến đường và cầu đường trong khu vực nhằm ngăn sự cố tương tự xảy ra.
“Trận lũ lụt đầu năm khiến phần phía trước của cầu bị sập xuống sông. Tuy nhiên trên hệ thống bản đồ trực tuyến chưa cập nhật thông tin này”, cảnh sát Ashutosh Shivam nói.
Vụ việc hiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận Ấn Độ với nhiều tranh luận về trách nhiệm các bên liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, việc không đặt biển cảnh báo hay chặn đường là nguyên nhân chính dẫn tới sự cố thương tâm.
“Tại sao một công trình giao thông còn dang dở lại không có rào chắn hay biển báo? Nhà thầu xây dựng và chính quyền địa phương cần chịu trách nhiệm trong sự việc này. Không thể che giấu hành vi phạm tội bằng cách đổ lỗi cho Google Maps”, anh Amol Tope, một người dân địa phương lên tiếng.
Tuy nhiên cũng có những nhận định, công ty công nghệ Google liệu có cần chịu trách nhiệm trong vụ việc này khi đã cung cấp thông tin thiếu chính xác trên bản đồ.
Theo thông tin mới nhất vừa được truyền thông Ấn Độ đưa tin, 4 kỹ sư liên quan tới công trình và một nhân viên của Google Maps (không tiết lộ danh tính) bị buộc tội liên quan tới các ca tử vong.
Ngày 26/11, phát ngôn viên của Google đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và cho biết phía công ty đang hợp tác với cơ quan chức năng, phối hợp cùng điều tra.
“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng cùng điều tra rõ sự việc này”, đại diện của Google cho biết.
.