Không có vàng thì khỏi trao, đừng bắt cô dâu đeo vàng giả ‘làm màu’ ở đám cưới

 

Gen Z và “vấn đề vàng cưới”: Khi hình thức lấn át ý nghĩa

Là một cô dâu thuộc thế hệ Gen Z, tôi không hề thấy tủi thân nếu ngày cưới thiếu đi màn trao vàng rực rỡ trên sân khấu. Thế nhưng, việc phải đeo vàng thuê chỉ để “đẹp mặt nhà chồng” lại khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm ức.

Thời điểm thu đông, mùa cưới rộn ràng cũng là lúc chủ đề “vàng cưới” thường xuyên xuất hiện trong những câu chuyện giữa gia đình và bạn bè. Không biết từ bao giờ, nghi thức trao vàng trong lễ cưới – vốn xuất phát từ truyền thống tốt đẹp – đã trở thành một “màn trình diễn” được mong chờ. Người ta chẳng còn nhìn vào ý nghĩa sâu xa mà chỉ chú ý đến số lượng vàng, kích cỡ bộ trang sức, và mức độ “sang chảnh” của đôi trẻ.

Cô dâu đeo vàng kín cổ trong đám cưới, của hồi môn chất đầy vali khiến dân  mạng choáng chợp
Cô dâu đeo vàng kín cổ trong đám cưới, của hồi môn chất đầy vali khiến dân mạng choáng chợp

 

Trên mạng xã hội, không ít lễ cưới gây “bão” vì những hình ảnh cô dâu đeo đầy vàng nặng trĩu, từ vòng cổ, vòng tay đến nhẫn, kiềng – tất cả lấp lánh dưới ánh đèn sân khấu. Mùa cưới năm nay lại càng “nóng” hơn khi giá vàng liên tục tăng cao, khiến nhiều gia đình rơi vào áp lực phải “chạy đua” để không bị “lép vế”.

Không ít gia đình chọn cách thuê vàng cưới, biến những món trang sức to bản trở thành đạo cụ sân khấu. Cô dâu, vốn đã mệt mỏi chuẩn bị cho ngày trọng đại, còn phải gồng mình đeo bộ vòng cổ, lắc tay quê mùa, không ăn nhập với váy cưới hiện đại. Một số người bạn của tôi kể rằng, họ chỉ biết cười gượng và chấp nhận vì tôn trọng cha mẹ. Nhưng nếu đó là vàng thuê, đeo chỉ để làm màu thì sự gượng ép này thực sự khó hiểu. Tại sao cô dâu phải chịu cảnh “kém đẹp” trong khi cha mẹ thì mất tiền thuê, lại nơm nớp lo trả vàng đúng hạn?

Có người thậm chí rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Một chị bạn tôi từng bị bà cô bên chồng trách móc, rêu rao chỉ vì không cho bà vay vàng. Chị ấy chẳng thể phân trần rằng bộ vàng “to như gãy cổ” hôm cưới đều là đồ thuê. Giữ thể diện cho nhà chồng, chị đành chịu tiếng xấu, âm thầm uất ức.

Trao vàng trong hôn lễ vốn là phong tục đẹp, tượng trưng cho lời chúc phúc, sự thịnh vượng và bền vững. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc biến nghi thức ấy thành cuộc đua vật chất. Một chiếc nhẫn nhỏ hay sợi dây chuyền mảnh đã đủ ý nghĩa, không nhất thiết phải “gồng” để khoe vàng. Nếu gia đình không có điều kiện, không trao vàng cũng chẳng sao. Hạnh phúc đâu đo bằng số lượng vàng đeo trên cổ cô dâu.

Là thế hệ trẻ, tôi cho rằng cần nhìn nhận lại giá trị của nghi thức trao vàng cưới. Chúng tôi thà bỏ qua “màn biểu diễn” trước mặt quan khách, chỉ giữ lại những khoảnh khắc trao quà thân tình giữa người thân trong không gian riêng tư. Đó mới là lúc cô dâu chú rể cảm nhận được tình cảm thực sự từ những món quà, thay vì gánh trên vai áp lực làm vừa lòng đám đông.

Nhiều người nghĩ rằng màn trao vàng rực rỡ sẽ tạo nên ấn tượng đẹp. Nhưng sự thật là sau vài lời trầm trồ, chẳng ai nhớ đến số vàng ấy nữa. Điều đọng lại trong ký ức mọi người là nụ cười hạnh phúc của đôi trẻ, là không khí ấm áp của buổi lễ. Đám cưới không phải sân khấu trình diễn mà là khởi đầu cho một hành trình mới. Với tôi, chỉ cần hai trái tim yêu thương cùng hướng về nhau, đó đã là điều quý giá nhất.