Vấn đề cực HOT trước thềm năm học mới : DẠY THÊM và HỌC THÊM, phải làm thế nào cho đúng ?

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT tiếp tục thu hút sự tham gia bàn luận, góp ý từ giáo viên và chuyên gia giáo dục.

Làm sao để dạy thêm, học thêm đàng hoàng?

Học sinh học thêm tại một trung tâm ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Một trong những vấn đề được đề cập là dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của người học và người dạy và cần quy định rõ ràng hơn để tránh dạy thêm biến tướng.

Thầy Nguyễn Phúc Viễn (hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang):

Giúp hoạt động dạy thêm nghiêm túc hơn

Cần thấy rằng học thêm là một nhu cầu của học sinh. Với những bạn muốn học từ yếu lên trung bình, từ khá lên giỏi, từ giỏi lên xuất sắc thì học thêm thật sự là nhu cầu. Các bạn có thể lựa chọn học tại trường hoặc học ngoài nhà trường, tuy nhiên nhu cầu là có thật.

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT tôi nghĩ không những đã cởi trói cho nhiều giáo viên, học sinh mà còn giúp hoạt động được nghiêm túc hơn.

Chẳng hạn nếu muốn dạy thêm trong nhà trường, tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận…

Ở ngoài nhà trường, các giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao… Các quy định này cũng giúp việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được chặt chẽ hơn.

ThS Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM):

Không nên cấm

Có thể thấy học thêm là một nhu cầu chính đáng hiện nay của cả học sinh và giáo viên. Và khi cả hai bên đều đã có nhu cầu, tôi nghĩ chúng ta không nên cấm dạy thêm, học thêm.

Vì vậy theo tôi, dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có nhiều điểm tích cực hơn với quy định trước đây khi cho phép giáo viên có thể dạy thêm một cách có điều kiện.

Quy định mới sẽ mở đường cho học sinh có nhu cầu học và giáo viên có nhu cầu dạy được làm điều mình mong muốn một cách đường hoàng thay vì phải lén lút, sợ sệt nếu bị phát hiện.

Tôi nghĩ trường hợp giáo viên o ép học sinh để học thêm là có, nhưng không phải đại diện cho tất cả. Dù vậy, tôi nghĩ làm rõ hơn các quy định giáo viên được làm và không được làm khi dạy thêm, đâu là những trường hợp giáo viên sẽ bị vi phạm đồng thời các mức chế tài tương ứng như thế nào?

Quy định càng rõ ràng sẽ giúp việc dạy thêm, học thêm khi được triển khai theo thông tư sẽ càng có sự chuẩn mực hơn.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):

Tránh học thêm vì điểm số

Dự thảo có một số điểm tích cực như tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm chính đáng, công bằng với các ngành nghề khác cũng được làm thêm. Và dự thảo đưa ra được một số ý nhằm ngăn ngừa tình trạng dạy thêm tiêu cực (ép buộc học sinh).

Nhưng có những vấn đề cốt lõi rất cần được làm rõ ở thông tư. Chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng là phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Nhưng việc dạy học của ta vẫn chưa thoát được kiểu nhồi nhét kiến thức, chạy theo điểm số. Việc này thể hiện rất rõ ở việc dạy thêm, học thêm.

Mục đích của việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu là để có điểm số cao. Việc đánh giá thi cử hiện nay cũng vẫn là lý do khiến tâm lý chạy theo điểm số nặng nề. Việc học thêm không giúp trẻ phát triển năng lực, kỹ năng mà chỉ mang đến áp lực mệt mỏi. Nhiều đứa trẻ không có tuổi thơ vì phải học thêm quá nhiều.

Vì thế, trong việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ quy định để giáo viên dạy thêm đảm bảo tinh thần tự nguyện, nhu cầu thật của cha mẹ, học sinh mà phải có các giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức của cả người thầy, người trò và cha mẹ học sinh.

Các bậc cha mẹ cần nhìn thấy tác hại của việc cho con học thêm quá nhiều. Một đứa trẻ phải học thêm quá nhiều chưa chắc đã trở thành một người thành công trong tương lai.

Muốn giáo dục có chất lượng, càng thoát khỏi tình trạng nhồi nhét kiến thức. Học thêm vì điểm số là tư duy cần được loại bỏ. Theo tôi, trong quy định về dạy thêm, học thêm nên dứt khoát cấm dạy thêm ở bậc tiểu học và có các biện pháp hạn chế ở bậc trung học.

Học sinh tiểu học hiện nay đa số học 2 buổi/ngày ở trường. Và trẻ tiểu học cần thêm các hoạt động, rèn kỹ năng hơn là nhồi nhét kiến thức ngoài những nội dung đã học ở trường. Trong các trường sẽ có những học sinh chậm đáp ứng yêu cầu học tập. Trách nhiệm của nhà trường cần tổ chức phụ đạo cho những học sinh này và nếu được thì Nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ, không thu tiền từ cha mẹ học sinh.

Để hạn chế dạy thêm học thêm, việc tuyển sinh vào các trường chuyên, trường chất lượng cao cũng cần nghiên cứu phương thức khác, hạn chế việc tập trung vào kỳ thi khiến học sinh phải chạy theo việc học thêm để có điểm số cao.

Có những học sinh không theo kịp chương trình, trong trường thầy cô giáo có trách nhiệm giúp đỡ. Đó không phải là học thêm. Nhà nước nên có chế độ chính sách cho các nhà trường.

TS Nguyễn Đông Hải (từng giảng dạy đại học ở Mỹ):

Quy định để tránh biến tướng

Không ít các quy định từ Bộ GD-ĐT đến các tỉnh thành về cấm dạy thêm, học thêm đã được ban hành trước đây nhưng thực tế số lượng các em học thêm không hề ít. Đó là vì học sinh có nhu cầu học thêm, đặc biệt khi khối lượng kiến thức trong sách vở, trong các kỳ thi rất nặng nhưng thời lượng học thực tế trong nhà trường cho mỗi môn học lại khiêm tốn.

Tôi nghĩ thay vì cấm, Bộ GD-ĐT nên có các quy định để tránh trường hợp dạy thêm biến tướng. Đặc biệt khi phát sinh trường hợp biến tướng, các trường sẽ xử lý như thế nào, dựa vào đâu để xử lý. Nên chăng các trường có những kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh của học sinh gặp phải những trường hợp bị o ép học thêm. Đây cũng là kênh có thể bảo vệ học sinh trong trường hợp cần thiết.

Một hiệu trưởng THPT tại Hà Nội:

Tôi không ủng hộ

Khi tôi còn làm hiệu trưởng một trường THCS & THPT tại Hà Nội, tôi đã rất nghiêm khắc với việc giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường. Trường tôi học sinh THCS học 2 buổi/ngày, còn học sinh THPT có 3 buổi trong tuần học cả ngày.

Việc sắp xếp thời lượng dạy học bao gồm cả giờ học trên lớp, giờ trải nghiệm, thực hành và các hoạt động giáo dục khác đều nằm trong kế hoạch giáo dục nhà trường, đảm bảo đúng thời lượng quy định và chuẩn về năng lực, kỹ năng. Điều đó có nghĩa học sinh không cần học thêm bên ngoài cũng đảm bảo yêu cầu. Thời gian còn lại các em có thể tham gia câu lạc bộ, học các môn năng khiếu, chơi thể thao…

Ngoài việc đảm bảo chất lượng, tôi cũng muốn xây dựng văn hóa nhà trường. Làm sao để người thầy dạy tối đa khả năng trên lớp, làm sao để quan hệ thầy – trò trong sáng, vị thế người thầy được vị nể. Trong những năm đó, tôi đã cố gắng làm điều này và chất lượng giáo dục của trường duy trì ở tốp cao.

Khi tôi chuyển đi trường khác, tôi nghe nói nhiều giáo viên của trường đã dạy thêm bên ngoài. Nhiều đồng nghiệp có đời sống khấm khá hơn nhờ dạy thêm. Nhưng tôi cảm thấy buồn vì lại nghe nhiều lời nhận xét tiêu cực, bức xúc của cha mẹ học sinh về chất lượng dạy học, về thái độ thiếu lửa của thầy cô trên lớp.

Tôi nhận thấy khi các thầy cô giáo phải chia sẻ nhiệt tình, năng lượng cho “dạy thêm” thì sẽ không thể hết mình cho giờ dạy trên lớp. Hiện có giáo viên dạy online một ca có tới 500 người học, thu nhập một ca dạy bằng cả tháng lương.

Sự hấp dẫn của “dạy thêm” có thể khiến nhiều người không còn giữ được sự tự trọng nghề nghiệp cần thiết, thậm chí không đảm bảo nhiệm vụ được giao ở trường. Là người luôn coi trọng sự tử tế trong nghề giáo, tôi phản đối việc cổ súy cho dạy thêm.

Hãy nghiên cứu chế độ đãi ngộ tốt hơn khi có thể, cho nhà giáo một môi trường làm nghề lành mạnh. Chứ không nên vì “thương” mà để họ thấy việc dạy thêm là hay và đáng khích lệ.

 

Nguồn tham khảo : Báo Tuổi Trẻ