Quyết định lên Tuyên Quang hỗ trợ cho bà con vùng lũ ngay khi vừa trở về từ Thái Nguyên, bố mẹ diễn viên Kiều Anh rất lo lắng, khuyên con gái không nên đi nhưng cô vẫn quyết tâm lên đường.
**Trải qua 4 ngày không ăn uống đủ, chị Kiều Anh chia sẻ về những trải nghiệm trong hai chuyến cứu trợ vùng lũ tại Thái Nguyên và Tuyên Quang.**
– *Sau khi hoàn thành hai chuyến cứu trợ, sức khỏe của chị hiện giờ thế nào?*
Đến nay, sức khỏe của tôi đã tạm hồi phục. 4 ngày cứu trợ liên tục khiến cả đoàn hầu như không có thời gian ăn uống, mọi người đều kiệt sức. Cách đây 3 hôm, khi vừa về đến nhà, tôi cảm thấy cơ thể hoàn toàn suy kiệt. Sau đó, tôi phải quay trở lại công việc quay phim nên càng mệt hơn. Hiện tại, sau một ngày nghỉ ngơi, tôi cảm thấy đỡ hơn một chút. Làm từ thiện là quyết định cá nhân, nhưng việc tự mình phải quán xuyến mọi thứ như trưởng đoàn khiến tôi căng thẳng hơn. Nhìn lại, tôi thấy may mắn vì đã trở về an toàn.
– *Chị có dự đoán trước những khó khăn khi lên đường cứu trợ vùng lũ không?*
Chúng tôi không suy nghĩ nhiều, chỉ muốn lập tức lên đường thay vì ngồi chờ vì lòng quá sốt ruột. Thái Nguyên quê tôi chưa bao giờ bị lũ lụt nặng như thế nên tôi hơi hoảng. Tuy nhiên, vì quen thuộc địa hình nên chúng tôi cứ đi. May mắn là gia đình ở Thái Nguyên không ai bị ảnh hưởng, và họ cũng tham gia hỗ trợ cùng tôi.
Ban đầu, tôi nhờ mọi người gom nước và sữa ở Thái Nguyên, thiếu gì thì mua từ Hà Nội. Thay vì mì tôm, tôi chuẩn bị xúc xích, cơm cháy, áo mưa, nước và sữa – những thứ thiết yếu bà con cần nhất. Dù chưa có kinh nghiệm cứu trợ, tôi chỉ biết rằng khi bà con cần, mình phải hành động.
– *Việc cứu trợ ở Tuyên Quang – nơi chị không quen thuộc – có khiến chị lo lắng không?*
Tôi biết rằng không nhiều người dám lên Tuyên Quang vì mức độ nguy hiểm, nhưng chính điều đó càng khiến tôi quyết tâm. Tôi liên hệ với những người đang ở đó để nắm tình hình, và họ thông báo có thể đi qua cao tốc. Tôi cũng tìm cách liên lạc với chính quyền, nhưng nhiều nơi đã bị cô lập.
Khi tôi đăng bài trên Facebook, Thành đoàn liên hệ và đề nghị hỗ trợ. Trước khi lên đường, gia đình lo lắng nhắn tin khuyên tôi không nên đi. Thực sự lúc đó tôi rất sợ, cảm thấy rõ ràng sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, tôi muốn tự mình đến xem tình hình để có thể đưa ra quyết định cứu trợ hợp lý. May mắn là sau 8 tiếng, nước bắt đầu rút.
Dù vậy, nhiều nhà vẫn bị ngập sau 4-5 ngày. Những chiếc thuyền nhỏ chỉ đưa được ít đồ ăn, mỗi gia đình chỉ cầm cự thêm một ngày. Khi đói, tiền không quan trọng, chỉ cần một miếng lương khô và nước. Vì vậy, mang nước dù nặng nề nhưng không thể thiếu.
– *Kinh nghiệm cứu trợ ở Thái Nguyên có giúp ích nhiều cho chị ở Tuyên Quang không?*
Ở Thái Nguyên, tôi có gia đình hỗ trợ, còn ở Tuyên Quang có bạn bè đồng hành. Tôi nhờ Thành đoàn đưa 8 thanh niên biết bơi để giúp đưa đồ vào khu vực bị cô lập. Ban đầu, tôi định làm bè từ Hà Nội nhưng không kịp. May mắn là Thành đoàn cho mượn xuồng và người dân địa phương hỗ trợ bè mảng.
– *Chị đã bỏ ra bao nhiêu cho hai chuyến cứu trợ vừa qua?*
Tôi đã chi khoảng 40 triệu đồng. Chuyển khoản ủng hộ có lẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng đi thực tế giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc trực tiếp cứu trợ. Khi nhà bạn bị cô lập, không ai quan tâm đến chuyện đói khát ra sao, mà chỉ cần cảm thấy không bị bỏ rơi.
– *Có hoàn cảnh nào của người dân vùng lũ khiến chị xúc động nhất?*
Ở Tuyên Quang, tôi gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, có người vừa sinh con 3 ngày nhưng không có gì để ăn. Nhiều gia đình mất trắng vì nhà bị ngập hoàn toàn. Khi đi cứu trợ, tôi luôn tìm những nơi khó khăn nhất và ít người đến để hỗ trợ họ.
– *Chị có lo ngại những ý kiến trái chiều khi làm từ thiện không?*
Nếu mình làm bằng cái tâm, không sợ điều gì. Ai nói gì tôi cũng không quan tâm. Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi người nên đưa ra những góp ý tích cực để giúp các đợt cứu trợ sau hiệu quả hơn.
Nguồn : https://vietnamnet.vn/
THẦY GIÁO U80 NGUYỄN XUÂN KHANG NHẬN ‘NUÔI’ ĐẾN NĂM 18 TUỔI TẤT CẢ TRẺ THOÁT NẠN VỤ LŨ QUÉT LÀNG NỦ